Trang

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

CV số 29 Những vấn đề có liên quan đến “ AND''


CHĐ 38  - Những vấn đề có liên quan đến “ AND''

Category: , Tag:
07/06/2012 12:40 pm

Cẩm Tú Đặng Thị

16:15  -  Công khai
Dư vị trà chiều... Mời cả nhà cùng thưởng thức :D
( Hoa hướng dương mạn phép dùng ché của cẩm tú mời các bạn quan tâm đến kỳ án ''ADN '' 
Những “kỳ án” AND
Jun 6, 2012 1:31 AMPublicPageviews 1 0
Có những lúc trong cuộc đời người ta sa vào những nỗi oan, những sự việc khó giãi bày bằng cả tình và lý. Lúc ấy, cứu tinh lạnh lùng và chính xác nhất của họ là khoa học. Những câu chuyện về ADN bắt nguồn từ một oan tình, một sự hoài nghi, một nỗi đau hay nghịch cảnh riêng tư cùng những nghi án gây chấn động xã hội.

Kỳ 1: Nỗi oan một người mẹ

“Khi chị y tá cầm lưỡi dao lam cứa nhẹ vào đầu ngón tay tôi để lấy mẫu máu làm xét nghiệm ADN, tôi đã ngất lịm đi. Không phải vì tôi sợ mà vì cái cảm giác mệt mỏi, rã rời chẳng còn chút năng lượng sống trước sóng gió cuộc đời xâm chiếm lấy tôi.
Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê ấy, tôi nghe vang vọng bên tai những tràng cười khoái trá của những người trong gia đình bên chồng đã dẫn giải mẹ con tôi đến phòng xét nghiệm này. Và rồi tiếng khóc thét của bé Trang đã khiến tôi hồi tỉnh...”. Đó là những dòng ký ức của cô giáo Phạm Thúy Nga (An Đà Nội, P. Đằng Giang, TP Hải Phòng), người mẹ rơi vào một oan án tình cờ.

*Đứa con tình cờ

Ngày ấy Phạm Thúy Nga, 22 tuổi, đang là sinh viên năm cuối khoa sư phạm mỹ thuật Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng. Một buổi chiều đông, Nga cùng ba cô bạn học đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm thì bất ngờ có một cô gái rất xinh xuất hiện. Cô giới thiệu tên Huyền, quê Thanh Hóa, đang học năm 2 khoa nhạc xin được ở cùng phòng. Huyền có làn da trắng như bông bưởi, vóc dáng chuẩn như người mẫu, lại ăn nói nhỏ nhẹ.
Nhiều đêm Nga thấy Huyền ngồi khóc một mình. Lại thêm ngày nào Huyền cũng uống thuốc, cô hỏi Huyền bảo bị đau đầu. Nga lén lấy vỏ thuốc Huyền vứt đi mang ra tiệm thuốc tây tìm hiểu. Hóa ra đó là một loại thuốc dưỡng thai. Cuối cùng Huyền thú nhận mình đang mang thai. Huyền kể cô trót lỡ với người yêu đồng hương nhưng anh ta chối bỏ. Mấy lần cô định tự tử nhưng chưa chết được. Nghe chuyện, mọi người động viên Huyền nghĩ tới đứa bé vô tội mà ráng sống...
Ngày Huyền chuyển dạ, Nga đưa bạn về Thanh Hóa rồi cô tìm mọi cách liên lạc với Trung, bạn trai của Huyền, nhưng không ăn thua. Chừng em bé ra đời, bố của Trung đến vạch tã ra xem rồi lạnh lùng bảo: “Nhà tôi đã có sáu đứa cháu gái rồi cô ạ”. Từ đó không ai đến thăm nom, chăm sóc Huyền nên Nga phải gọi điện về trường xin nghỉ học dăm bữa để chăm bạn. Khi ra viện, Nga đưa Huyền về nhà mẹ ruột rồi trở lên Hải Phòng.
Được ba tuần, lại thấy Huyền tay bế con tay xách đồ đến gõ cửa nhà trọ: “Chị cho em ở tạm vài hôm, mẹ em khỏi ốm sẽ lên đón cháu về”. Ít ngày sau Nga từ lớp học trở về nhà trọ, không thấy Huyền, chỉ thấy đứa bé nằm trên tấm giấy học trò có mấy dòng ngắn ngủi của Huyền: “Nhờ chị trông cháu giúp. Kiếp này em đội ơn chị”! Nghĩ Huyền chỉ đi đâu đó ít ngày sẽ về nên Nga và các bạn thay nhau bế đứa bé đi tìm những người có con nhỏ xin bú nhờ. Chờ mãi không thấy Huyền trở lại mà đứa bé thì ngày thêm lớn, các nhu cầu chăm sóc cũng tăng lên.
Có người đưa ý kiến: “Hay là mang đứa bé cho gia đình có điều kiện kinh tế làm con nuôi”, nhưng Nga bảo: “Thế thì khi mẹ nó trở lại, nhỡ mẹ con thất lạc, không gặp lại nhau thì mình sẽ ân hận suốt đời”. Vậy là Nga quyết định nuôi đứa bé. Cô đặt tên tạm thời cho bé là Đoan Trang.

Và lựa chọn nghiệt ngã
Gia đình Nga còn có một chị gái và một em trai cũng đang đi học. Nhà không đất sản xuất, bố ở riêng, mọi chi phí đều trông vào đồng lương giáo viên tiểu học của mẹ. Để có tiền đóng học phí, chi xài cho bản thân và mua sữa, quần áo, đồ dùng cho đứa bé, người mẹ trẻ 22 tuổi Phạm Thúy Nga phải vừa học vừa lao động quần quật gấp đôi, gấp ba người bình thường. Cô phải làm quần quật từ 3g-22g mỗi ngày từ việc làm bếp cho quán phở, dạy tiếng Anh, cắm hoa, quét dọn nhà cửa, chăm sóc người già để có tiền lo cho đứa trẻ.
Tốt nghiệp sư phạm mỹ thuật, Nga đưa bé Trang về quê ở xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Có kẻ còn độc mồm độc miệng: “Cái Nga hư đốn mang bầu sinh con rồi dựng chuyện nuôi con giùm người để khỏa lấp, chứ bây giờ trên đời làm gì có chuyện ấy”.
Nghe những lời ấy ban đầu mẹ Nga không khỏi núng lòng, bảo với con: “Con làm việc tốt mẹ không cản nhưng con nên nghĩ tới tương lai của mình. Hay là mang bé Trang vào trường trẻ em SOS đi con”. Người yêu của Nga, vốn là học trò cũ của mẹ cô, cũng ra tối hậu thư cho cô: “Em nghĩ kỹ đi, giữa anh và bé Trang em chỉ được chọn một mà thôi”. Nga phân vân mất ăn mất ngủ, trong gần tháng cô đã sút mất gần 10kg. Cô đã chọn đứa con.
Để bé Trang được đi học, Nga đã liên hệ với nhiều cơ quan ở địa phương làm giấy khai sinh cho con, nhưng đi đến đâu họ cũng đều đòi cô phải cung cấp giấy đăng ký kết hôn và giấy chứng sinh của bé Trang. Cô giải thích bé Trang là con nuôi, họ đòi phải có giấy xác nhận của những người làm chứng. Nga lại ngược lên thành phố Hải Phòng, tìm những người bạn ở trọ cùng phòng lúc trước và ông chủ nhà trọ nhờ họ xác nhận sự việc. Yêu cầu gì cô cũng làm, chỉ có cái giấy đăng ký kết hôn là cô không chạy được.
Đi làm giấy từ lúc 1 tuổi, đến khi bé Trang lên 4 tuổi Nga vẫn chưa xin được giấy khai sinh cho con. Đã thế, việc làm của cô cũng trầy trật, xin mãi cũng chỉ được một chân hợp đồng ở một trường tiểu học trong xã. Dạy được chưa đầy năm, Nga lại mất việc vì nhu cầu giáo viên của trường đã đủ.
Rồi Nga gặp một người đàn ông tốt bụng, dám bước qua dư luận. Bé Trang có được khai sinh mang họ bố mẹ nuôi: Trịnh Phạm Đoan Trang. Nhưng những ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi qua mau, khi gia đình bên chồng trông thấy bé Trang cứ quấn quýt bên Nga và càng lớn trông bé càng giống cô như đúc. Nhà chồng đã ép buộc cô phải đến bệnh viện để chứng minh chưa từng sinh nở.
Chừng có kết quả, họ vẫn cho bé Trang là con ruột và cô đã mua chuộc các y bác sĩ sản khoa để có kết quả như ý. Sự tổn thương lên đến đỉnh điểm khi vào một ngày đầu năm 2008 cô và con gái nuôi bị gia đình chồng dẫn giải đến Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (Vĩnh Phúc, Hà Nội) để giám định gen xem có phải là mẹ con ruột. Một lần nữa khoa học đã lên tiếng chứng minh: bé Trang là con nuôi của cô.
Trong tột cùng đau khổ cô đã một mình lặng đưa bé Trang đến Hà Nội để sinh đứa con đầu lòng. Biết con dâu sinh con, gia đình nhà chồng đã tìm đến, âm thầm để lại 500.000 đồng rồi ra về, không ngó ngàng gì đến cháu...
Kể lại chuyện mình trong căn phòng trọ với hai đứa trẻ, cô nhẹ lòng về một kết quả ADN nhưng hiểu rằng gánh nặng cuộc đời đang trĩu vai mình phía trước: cô hiện phải đi làm thuê để nuôi hai đứa con của mình.

Kỳ 2:  30 năm nuôi con người khác
Ở đây có tới hai câu chuyện và ba nhân vật nhưng hoàn cảnh lại tương đồng: đứa con mà họ đang nuôi là con người khác. Hành trình tìm kiếm sự thật tưởng như hạnh phúc vỡ òa nhưng nhiều lúc cũng ngỡ ngàng vì tạo hóa đâu dễ chiều lòng người.

*Éo le chuyện đời
Bà D. và bà H. nhà ở gần nhau, trên một quận trung tâm TP Hà Nội. Hai người lại tham gia hội cha mẹ học sinh trong cùng một trường nên rất thân nhau. Họ có hai cô con gái cùng học chung ba năm ở bậc THPT, lại chơi rất thân với nhau.
Một hôm con gái bà D. tổ chức lễ sinh nhật, mời bạn đến chơi. Khi hai cô bạn học chụm đầu lại thổi nến sinh nhật, mọi người mới xầm xì: sao con gái bà H. lại giống bà D. lạ lùng, còn con gái bà D. lại giống... bà H.. Bà D. lấy làm lạ bèn lục tìm trong quyển sổ album gia đình, lấy ra mấy tấm hình bà chụp lúc xuân thì. Đọ lại với chân dung con gái bà H. hiện tại thì chẳng khác hai giọt nước!
Sự việc tưởng dừng lại ở đó như là một sự ngẫu nhiên của tạo hóa. Bẵng đi mấy năm, đôi bạn học ra trường, có chồng con đề huề thì chồng bà D. ốm nặng. Trong những giây phút trên giường bệnh, ông mới gọi vợ đến trăng trối: “Bà này, con gái mình không giống mẹ đã đành, nhưng sao nó cũng chẳng có tí gì của tôi. Nếu bà trót “lỡ dại” thì cũng nên nói cho tôi biết trước khi tôi nhắm mắt. Tôi sẽ không hờn trách bà một tiếng nào đâu”.
Nghe chồng van nài, bà D. chỉ biết nuốt nỗi buồn vào lòng, không biết nói năng thế nào. Rồi có người mách nước bà D., bà H. cùng hai cô con gái của họ đi thử ADN xem có sự nhầm lẫn nào không.
Hai bà nhất trí, nhưng hai cô con gái thì lắc đầu: “Tụi con ở với bố mẹ mấy chục năm rồi, giờ đi thử, cho dù kết quả thế nào cũng có ý nghĩa gì đâu”. Vận động mãi không xong, phải nhờ đến đức lang quân của hai cô gái nói thêm vào thì hai cô mới chịu cho lấy mẫu để xét nghiệm ADN xác định huyết thống.
Và mọi người đã không tin vào tai mình khi nghe bà Nguyễn Thị Nga - giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền - thông báo kết quả: con gái bà D. lại là con ruột bà H. và ngược lại, con gái bà H. lại có quan hệ huyết thống mẹ - con với bà D.. Lục tung ký ức, vợ chồng bà D., bà H. mới vỡ ra: hơn 30 năm trước hai người vợ trẻ đau đẻ cùng ngày, được đưa đến cùng một nhà hộ sinh trong phường. Và chắc chắn các bác sĩ, hộ sinh đã trao nhầm con cho họ...
Giải quyết hậu quả thế nào đây? Đổi lại con liệu có muộn? Mà hai cô con gái cũng không chịu dọn đồ đổi sang nhà mới. Rồi bao nhiêu chuyện liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu...Sau cú sốc khi đón nhận kết quả xét nghiệm, chồng bà D. thở phào nhẹ nhõm, xóa tan mọi nghi vấn nơi người vợ mà cả đời ông đầu gối tay ấp.
Bệnh tình của ông cũng dần thuyên giảm. Cuối cùng, sau nhiều ngày suy tính, hai gia đình đã thống nhất xem việc nuôi nhầm con như là một duyên phận. Trước giờ ai ở đâu vẫn ở đấy, nhưng bây giờ mỗi ông bố bà mẹ lại có thêm một người con và hai cô gái thì có thêm bố mẹ thứ hai...

*Lòng người - tạo hóa...
Câu chuyện bà Phạm Thị Kim Huyền (P. 6, Q.5, TP.HCM) đi tìm con trai mà bà đã rứt ruột sinh ra và người mẹ nuôi tên Nguyễn Thị Thủy (P.1, TP Cà Mau) tìm cha mẹ cho đứa con nuôi suốt 30 năm qua lại là một ca không như ý nguyện.
Rạng sáng một ngày cách nay tròn 30 năm, trong lúc đi tuần tra, lực lượng Công an thị xã Cà Mau phát hiện một nhóm người hiếu kỳ đang tụ tập ở chân cầu Cà Mau xem người phụ nữ đang rao bán một bé trai chừng ba tuổi, có nước da trắng, môi đỏ như son với giá 100 đồng. Công an đưa người phụ nữ và đứa trẻ về đồn để làm rõ, nhưng sau đó người đàn bà bỏ trốn để lại bé trai. Cơ quan chức năng đã phát thông báo khắp nơi tìm mẹ cho bé nhưng không thấy ai đến nhận.
Nhiều người dân trong khu vực biết tin ngỏ ý nhận nuôi cháu bé, nhưng bé luôn có biểu hiện sợ sệt không chịu theo. Đến khi gặp bà Thủy, một phụ nữ bán tạp hóa ngay trước trụ sở Công an thị xã Cà Mau, thì bé quyến luyến không muốn xa. Chị Thủy tạm thời đưa bé về nuôi với cam kết khi nào có người thân của bé đến nhận sẽ giao trả. “Bé Hiếu (tên do bà Thủy đặt) rất ngoan, cả nhà tôi ai cũng quý nó hơn vàng. Chính vì thương yêu nên tôi muốn giúp con tìm lại cha mẹ ruột để nó được sống trong vòng tay của người ruột thịt” - bà Nguyễn Thị Thủy, năm nay đã bước sang tuổi 60, nhớ lại.
Lớn lên Hiếu được mẹ nuôi cho cắp sách đến trường, rồi học nghề làm đồng, thợ hàn tiện và cưới vợ cho anh. Suốt mấy chục năm ròng, bà Thủy thương yêu chăm sóc Hiếu như con ruột, bà luôn đau đáu một niềm tin sẽ tìm được cha mẹ đẻ cho con. Hễ nghe ở đâu có người mất con trai vào khoảng thời gian phát hiện ra bé Hiếu ở Cà Mau, bà đều liên hệ cho con. Nhưng tin tức về gia đình của Hiếu vẫn bặt vô âm tín. Cho đến một ngày...
Qua thông tin tìm người thân của Hiếu được phát đi, bà Phạm Thị Kim Huyền nhà ở Q.5, TP.HCM tin chắc Hiếu chính là con ruột của mình. Bà kể tường tận: “Hiếu là con thứ bảy của tôi. Ngày đó Hiếu được anh trai đưa đi khám bệnh ở trạm xá phường. Khám bệnh xong, hai anh em tính về thì một người đàn bà lạ kêu lại nói: để em cô giữ cho, con vào lại bệnh viện nhận thuốc đi”.
Tin lời, anh của Hiếu giao em cho người phụ nữ kia, một lúc sau quay lại đã không thấy em đâu. Đối chiếu thông tin, mọi người trong gia đình bà Huyền đã âm thầm chuẩn bị cho ngày đại hỉ. Nhưng để niềm vui được trọn vẹn hơn, một lần nữa người ta lại nhờ ADN lên tiếng.
Mẫu máu của bà Huyền và anh Hiếu được chuyển đến trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền. Kết quả xét nghiệm ADN đã làm vỡ òa mọi hi vọng: Hiếu không phải con ruột bà Huyền. “Chúng tôi mong một kết quả ngược lại để cha mẹ, con cái đoàn tụ sau bao năm dài xa cách. Nhưng chúng tôi tôn trọng sự thật mà ADN đem lại. Nếu không nói lên sự thật ấy, chúng tôi sẽ có lỗi lớn với Hiếu, với chị Thủy, chị Huyền và người con còn thất lạc của chị ấy” - bà Nguyễn Thị Nga tâm sự. Trong hành trình thực hiện hàng ngàn ca xét nghiệm, bà đã chứng kiến những khóc cười cùng nhiều “thâm cung bí sử” của cuộc đời này.

Kỳ 3: Câu chuyện với “quan tòa” ADN
“Cảm ơn chị rất nhiều. Nhờ trung tâm của chị mà tôi có được hồng phúc trên đời, tôi đã tìm ra đứa con trai duy nhất của mình”. “Bà là người độc ác nhất trên đời. Bà đã chia lìa tình cảm vợ chồng tôi bằng cái kết quả ADN chết tiệt ấy, bà biết không”... Đó là hai trong nhiều thái độ của những người trong cuộc khi đối diện sự “phán xét” của “quan tòa” là kết quả xét nghiệm ADN.
Đưa tôi xem những tin nhắn còn lưu giữ trên điện thoại, bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), nói: “Công việc của chúng tôi là tìm ra sự thật, và khi sự thật được công bố thì có người nhảy lên vì sung sướng, có người thất vọng não nề. Bình tâm lại, nhiều người trong số họ đã tâm sự với tôi những chuyện bí mật trong quan hệ xã hội, quan hệ gia đình mà người ngoài cuộc khó có thể hình dung”.

*Xét nghiệm “cả đàn”
Mới đây, trung tâm của bà Nga đã tiếp nhận một trường hợp khá đặc biệt: Ông bố ngoài 50 tuổi mang cuống rốn và mẫu móng tay của bốn người con đến yêu cầu xét nghiệm để xem có phải là con ruột của ông không. Hỏi lý do vì sao xét nghiệm “cả đàn” như thế, ông không giấu: “Vợ tôi đã xưng tội với... thầy bói hết rồi. Bà ấy bảo do tôi hom hem, yếu ớt không làm ăn gì được nên bà đã trót quan hệ với rất nhiều người đàn ông khác. Thậm chí đến đứa trẻ nào là con của ai bà cũng không dám chắc. Tôi phải làm xét nghiệm cả, kẻo lại làm tò vò nuôi con nhện”.
Sự nghi ngờ của người đàn ông này quả không sai. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong số bốn người con thì chỉ có con trai út là con ruột của ông, còn ba con gái đầu không phải. Cầm kết quả trên tay ông bảo: “Cứ tưởng con gái đầu mới là con ruột vì hồi đó tôi còn khỏe, hóa ra mình vẫn có người nối dõi tông đường!”.
Lại có trường hợp một ông bố có ba đứa con trai nhưng đến trung tâm nhờ xét nghiệm đến năm lần. Ba lần đầu trung tâm đã cho ông biết trong số ba người con đó, đứa út không phải là con ruột của ông.
Nhưng vì nghi ngờ độ chính xác của xét nghiệm, ông đã lén lấy mẫu móng tay, rồi khai tên đứa út thành tên đứa đầu (đã cho kết quả là con ruột) để “thử” các nhân viên của trung tâm. Khi nhận kết quả xác nhận không phải là con ruột lần thứ hai, ông vẫn chưa tin.
Lần sau cùng ông đưa cả con trai cùng đến trung tâm trực tiếp lấy mẫu máu làm xét nghiệm, với sự chứng kiến của bà vợ. Kết quả xét nghiệm lần này vẫn không thay đổi: nó không phải là con ruột của ông. Giờ ông mới chua chát thừa nhận: “Tôi đã tin tưởng vợ, đã bỏ qua lỗi lầm cho bà ấy những hai ba lần, nhưng bây giờ với kết quả này thì phải ly dị thôi. Có điều mấy đứa nhỏ đâu có tội tình gì...”.
Bà Nga xòe tay tính rồi nói: “Tôi nhớ không nhầm thì đã có gần chục trường hợp xét nghiệm “cả đàn” để được yên tâm cả đời”. Ấn tượng nhất là chuyện ông bố xét nghiệm cho cả năm người con. Nhưng may mắn họ đều là con ruột của ông. Ông đã nhảy cẫng lên vì vui sướng, rồi xé toạc kết quả bỏ vào thùng rác. Ông bảo: “Từ nay tôi sẽ đối xử với vợ tốt hơn, chứ mang về nhà bà ấy thấy, cho là bị tôi xúc phạm thì nguy to...”.

“Quan tòa” thầm lặng
Hôm chúng tôi đang làm việc với bà Nga tại trung tâm, có một đôi vợ chồng rất trẻ rụt rè bước vào. Họ dè dặt làm các thủ tục xét nghiệm quan hệ bố con với đứa bé trai rồi vội vã ra về. Không lâu sau đó một thanh niên gọi điện thoại đến trung tâm, rụt rè giới thiệu anh ta là bạn trai cũ của người vợ vừa đến trung tâm làm xét nghiệm. Anh bối rối khai rằng xưa đã từng trót quan hệ với người vợ trẻ kia có... ba lần.
Giờ anh tin chắc đứa con là của anh chứ không phải của chồng cô bạn cũ. Rồi anh ta khẩn khoản: “Cô ơi, không cần phải làm xét nghiệm đâu, cô hãy cho một kết quả đứa bé kia chính là con ruột của vợ chồng họ, chi phí bao nhiêu cháu xin chịu hết”. Tất nhiên lời đề nghị ấy không được chấp nhận.
Ít phút sau chính cô vợ trẻ lại gọi đến: “Cứu cháu với cô ơi. Nếu kết quả xét nghiệm không phải là con của chồng cháu thì anh ấy sẽ ra tòa ly dị ngay. Nếu điều này xảy ra thì cháu sẽ tự vẫn cùng con vì không chịu nổi điều tiếng của gia đình. Bây giờ cái kết luận của trung tâm cô giống như một bản án của quan tòa vậy, cô hãy cho cháu một kết luận như ý để cứu hai mạng người...”.
Bà Nga đã thuyết phục cô gái nếu kết quả xét nghiệm chứng minh đó là con với người bạn cũ thì nên nói thật với chồng, xin chồng tha thứ, tuyệt đối không làm chuyện gì có hại cho cháu bé vô tội. Rất may là kết quả xét nghiệm đã làm hài lòng cả ba người trong cuộc!
Lại có trường hợp một giáo viên chưa vợ ở Điện Bàn (Quảng Nam) quan hệ với cô gái chưa chồng dẫn tới kết quả một bé trai ra đời. Cô gái kiện ra tòa, đòi anh này phải có trách nhiệm với đứa con. Kết quả xét nghiệm ADN của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã chứng minh anh ta là cha ruột đứa bé.
Tòa sơ thẩm yêu cầu anh phải có trách nhiệm với đứa bé. Thế nhưng anh vẫn khăng khăng khẳng định chưa từng quan hệ với cô gái... Rồi anh này từ Quảng Nam ra Hà Nội, vào trung tâm giám định của bà Nga để xét nghiệm lại. Kết quả đúng y vậy, anh ta chống chế: “Tôi mới quan hệ có một lần làm sao có con được (!)”. Với sự thuyết phục của bà Nga, anh đã rút đơn kháng cáo. “Vậy là một lần nữa ADN đã lên tiếng giúp quan tòa” - bà Nga đúc kết.
Và còn nhiều câu chuyện khác mà chỉ có người trong cuộc mới biết. Như lời một cô gái trẻ đã bộc bạch qua tin nhắn với bà Nga: “Trung tâm của cô thật nguy hiểm cho những người trót lỡ sai lầm như bọn cháu. Nhưng dù sao thì biết được sự thật cũng nhẹ lòng. Nếu là con của chồng thì an tâm làm lại từ đầu, dành hết tình cảm chăm lo cho gia đình. Còn nếu như không phải là con của chồng thì mình cũng biết thân biết phận, không được “lên mặt” với chồng nữa!”.

Kỳ 4:  Rắc rối... ADN
Trong căn nhà khá khang trang ở ấp Phú Khương A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có một người đàn ông trung niên và đứa trẻ lên mười sống khép kín, ít khi quan hệ với hàng xóm, nhưng hầu như cả cái xã vùng quê này ai cũng biết đến họ.
Đứa trẻ do con gái của người đàn ông sinh ra, nhưng nó không gọi ông bằng ngoại mà gọi theo thứ. Ông thứ tư, tên Tho nên nó gọi là ông Tư. Tư Tho còn khá trẻ, tính theo tuổi tây năm nay tròn 47, dư ba tháng.
*Rắc rối từ lai lịch một đứa trẻ
Vợ Tư Tho bỏ nhà đi khi ông mới ngoài 30 tuổi, để lại ba đứa con, một trai, hai gái. Một tay Tư Tho vừa lo việc đồng áng vừa kiêm thêm nghề dắt heo đực đi “bỏ nọc”. Khá bảnh trai lại tháo vát, nên trong xóm có nhiều chị, cả chưa chồng lẫn đứt gánh, ngỏ ý muốn “góp gạo thổi cơm chung” nhưng Tư Tho còn dùng dằng chưa muốn nhận lời vì “sợ tụi nhỏ buồn”.
Chắp nối những lời kể của mấy người trong xóm và những lá thư kêu oan cho cha của con gái ông Tho có thể hình dung vụ việc như sau: Một buổi sáng cách đây 11 năm, khi ông Tho đang cấy ngoài đồng thì H., đứa con gái đầu mới 15 tuổi của ông, lén viết thư cho dì ruột của mình để hỏi mượn tiền đi... phá thai.
Sửng sốt, ông Tho nhờ bà nội H. đưa cháu đi khám. Cái thai lúc ấy đã 23 tuần, không phá được. Con gái ông Tho thú nhận trong lúc cả nhà đi vắng đã “quan hệ” nhiều lần với T., một thanh niên hàng xóm có chiếc xe tải tự chế hay đậu trước nhà. Cô gái cho hay tác giả bào thai này chính là của T..
Theo ông Tho thì: “Nghe xong tôi mới bật ngửa. Hèn gì mấy lần đi làm xa, lo tụi nhỏ ở nhà không biết có bảo ban nhau được không, gọi điện về hỏi thăm con gái tôi bảo đang ở nhà chơi với anh T. vì hai cái tên trùng nhau nên tôi tưởng “chơi với anh T.” là ở nhà chơi cùng anh ruột nó”. Sau đó, ông Tho cùng bà nội H. sang nhà cha mẹ T. tính chuyện giải quyết cho êm đẹp hai bên. Ban đầu bố mẹ T. hứa hẹn sẽ cho tụi nhỏ thành vợ chồng nhưng sau đó không thực hiện lời hứa.
Ông Tho làm đơn tố cáo T. quan hệ với con gái ông mới 15 tuổi. Nhưng sự việc chuyển sang một bước ngoặt bất ngờ: ông Tho bị bắt tạm giam hơn mười tháng để điều tra hành vi xâm hại tình dục với con gái. Một sự kiện tày đình đối với vùng quê và từ đây một kỳ án “vô tiền khoáng hậu” đã bắt đầu...
*ADN ơi, “lên tiếng” đi
Ngày 14-11-1998, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang quyết định trưng cầu giám định ADN tại Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an (lần 1) để xác định ai là cha ruột của đứa bé do con gái ông Tho sinh ra. Kết quả phân tích gen xác định ông Tho là cha ruột đứa trẻ này với xác suất 99,97%.
Ông Tho kêu oan và yêu cầu giám định ADN lại tại Tổ chức Giám định pháp y trung ương, Bộ Y tế (lần 2). Kết quả: anh T. là cha ruột đứa trẻ. Ông Tho vô can.
Đến ngày 10-9-2001, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an trưng cầu giám định lại (lần 3) với hội đồng do tiến sĩ Nguyễn Trọng Toàn làm chủ tịch, các thành viên gồm Viện Pháp y trung ương, Viện Khoa học hình sự. Kết luận chung của hội đồng: ông Tho là cha ruột của đứa bé với xác suất 99,999%. Nghĩa là ông Tho vừa là ông ngoại, vừa là cha của đứa trẻ.
Căn cứ vào kết quả này, ngày 24-9-2002 TAND tỉnh Tiền Giang đã xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Tho 3 năm tù treo về tội “giao cấu với trẻ em”. Cho là mình bị oan, không thể bị hình phạt dù là tù treo, ông Tho kháng cáo. Đến đầu tháng 7-2003, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên hủy án sơ thẩm vì quá trình lấy mẫu đã vi phạm quy định tố tụng.
Thế nhưng, ngày 28-3-2005 TAND tỉnh Tiền Giang lại đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt mức án 3 năm tù cho ông Tho. Không đầy hai tháng sau, TAND tối cao lại tuyên hủy án sơ thẩm vì cơ quan điều tra không thực hiện tái giám định.
Ngày 29-9-2005 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang lại một lần nữa (lần 4) trưng cầu giám định ADN. Kết luận của Viện Khoa học hình sự cho rằng ông Tho là cha ruột của đứa bé với xác suất 99,997%. Lần xét xử này TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt ông Tho 5 năm tù. Ông Tho và con gái tiếp tục kháng cáo, kêu oan.
Ngày 24-8-2007, TAND tối cao tại TP. HCM lại tuyên hủy án sơ thẩm với lý do: “Kết quả giám định ADN là căn cứ quan trọng duy nhất để chứng minh tội phạm. Nhưng qua các lần giám định đều chưa đảm bảo thủ tục pháp lý...” (trích nội dung bản án số 1242/2007/HSPT, ngày 24-8-2007 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM). Mãi hơn hai năm sau ngày có bản án phúc thẩm này, một hội đồng giám định do TS Vũ Dương, viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, mới trực tiếp về lấy mẫu máu của cả bốn người (ông Tho, anh T., cô H. và cháu bé) để tiến hành giám định ADN lần 5.
Như vậy trong 11 năm qua vụ “kỳ án” giao cấu với trẻ em này đã trải qua sáu phiên tòa, trong đó cả ba phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đều kết tội ông Tho; còn tại ba phiên tòa phúc thẩm, TAND tối cao tại TP.HCM đều tuyên hủy án sơ thẩm, giao vụ án về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại theo thủ tục chung. Phục vụ cho sáu phiên tòa này đã có bốn lần giám định ADN, nhưng cả bốn lần (với kết quả khác nhau) và đều được cho là chưa đảm bảo thủ tục pháp lý.
Từ một câu chuyện ban đầu tưởng đơn giản, cuối cùng biến thành một “kỳ án” xôn xao dư luận với những dấu hỏi đầy uẩn khúc. Và trong trường hợp này, công cụ “giám định ADN” lại rơi vào tình trạng “lá mặt lá trái” hết sức bất ngờ. Mọi thứ hi vọng sẽ phơi bày trong lần giám định thứ 5 này!
GS.TS Lê Đình Lương, phó chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, tổng thư ký Hội Di truyền học Việt Nam: “Trong giám định ADN xác định quan hệ huyết thống, số lượng gen phân tích càng nhiều thì độ chính xác càng cao. Theo tôi được biết, hiện nay một số nơi chỉ làm bộ 9 gen hoặc bộ 12 gen mà thôi. Trong khi đó những trường hợp nghi vấn một trong hai anh em ruột là bố của một đứa trẻ nào đó hoặc như trường hợp ông Tho thì nên làm 16 gen như Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) mới cho kết quả chính xác nhất. Vì nếu chênh nhau 1 gen, độ chính xác sẽ khác nhau 10 lần, chênh 2 gen độ chính xác khác nhau đến 100 lần...”.

Đặng ngọc Hướng ST Tháng 7/2012

Thanh Bình at 07/06/2012 03:06 pm comment
cuoc doi lam chuyen eo le
Lan Rừng Tím at 07/06/2012 01:42 pm comment
ly kỳ
Hoa Hướng Dương chuyển  bài viết từ Blog 360p về tháng 4-2013

Không có nhận xét nào: