Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

TN số 36 ST chuyền về Blog HHD ''Bệnh tật & Tình yêu ''.


 1 ) Bệnh tật


CỠ CHỮ 

Đầu tiên tôi có lời xin lỗi gửi đến các độc giả. Vì cũng gần hai tuần rồi mà tôi không có bài blog nào cho các bạn.
Nhưng tôi có một lý do chính đáng (tôi nghĩ là vậy). Vì trong 2 tuần qua tôi bận phải lo cho một người thân trong gia đình đang mắc bệnh nan y. Một ca có thể cho là khó ăn. Hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi chưa bao giờ phải vào nhà thương, gặp y tá, bác sĩ nhiều như lúc này. Cũng chưa bao giờ hiểu về cái thể tạng của con người nó có thể rắc rối đến độ nào cho đến lúc này. Khi bộ phận này liên quan đến bộ phận kia. Ruột xấu sẽ làm cho bọng đái xấu theo. Uống thuốc này vào, tuy tốt cho chổ này nhưng lại làm ảnh hưởng xấu ở chỗ khác. Cái khó là ở chỗ đó.
Đến bây giờ tôi mới biết tại sao người già thường bị stroke. Và họ cần phải làm gì để giảm bớt khả năng có thể bị lại một lần nữa trong vòng 6 tháng kể từ ngày bị lần đầu tiên. Đến bây giờ tôi cũng mới nhận thức được tầm quan trọng của tứ chi, ngũ tạng nó liên quan đến độ nào với sức khỏe tinh thần. Không kiểm soát được khả năng tự đi tiêu tiểu là cả một vấn đề. Nhưng tinh thần của bệnh nhân mới là điều quan trọng nhất. Người nào càng có ý chí cao, người ấy càng dễ chấp nhận thực tại để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Nhưng như câu nói mà chúng ta thường nghe: talk is cheap. Nói thì dễ. Thực hiện được hay không mới là vấn đề.
Thử tưởng tượng xem nếu mỗi ngày bạn phải uống độ chừng 25 viên thuốc để giảm đau, để làm lỏng máu, để điều trị vết thương, để giết bacteria, vân vân và vân vân thì tâm tính của bạn sẽ ra sao? Và tinh thần của bạn sẽ thay đổi đến độ nào? Nhất là khi bạn phải đối diện với một sự thật khá phũ phàng là bạn đã không còn khỏe như xưa, không thể tự lo cho mình như lúc còn trai trẻ.
Đấy là chưa nói đến những ca mổ lớn mà chất morphine hoặc gây mê được dùng có thể ở trong người bệnh nhân đến 5 hoặc 6 tháng sau ca mổ. Nó sẽ làm cho họ bớt minh mẫn, rất dễ quên. Nhưng lại hoàn toàn không... dễ chịu.
Thế mới có chuyện để bàn
Và đây cũng là điều mà tôi muốn chia sẻ với các bạn, đặc biệt là những ai đang hoặc sẽ phải chăm sóc, lo lắng cho người thân của mình.
Thứ nhất, cần phải xác nhận là tuyệt đại đa số bệnh nhân ai cũng sẽ như ai. Bệnh tình mỗi người có thể khác. Nhưng những sự chuyển đổi về tâm sinh lý hầu hết đều như nhau. Họ sẽ có những lo âu, buồn bực, ghét đó rồi thương đó, cần đó rồi lại bất cần, khi nói càn, lúc lại huyên thuyên mạch lạc... hầu hết các bệnh nhân đều phải trải qua những cảm xúc này. Người nào bị bệnh càng nặng, phải nằm ở nhà thương càng lâu, thì những sự biến chuyển ấy càng lớn. Đối với hầu hết mọi người, nó chỉ khác nhau ở mức độ, không phải bản chất.
Đấy là điều đầu tiên mà tôi học được từ các bác sĩ, y tá chuyên khoa liên quan đến những bệnh nhân bị stroke.
Thứ hai, ít nhất là ở những nước giàu có như Úc, Mỹ, việc điều trị và giúp đỡ bệnh nhân bằng các phương pháp y khoa tân tiến là chuyện đương nhiên và hoàn toàn có thể thực hiện được ngay lập tức nếu cần thiết.
Nhưng nếu chỉ từng ấy thôi chưa đủ. Đặc biệt là trong khoảng thời gian hậu giải phẩu. Vì điều mà các bệnh nhân ai cũng cần đó là sự giúp đỡ về tinh thần mà trong tiếng Anh chúng ta thường gọi là: mental support. Người nào nhận được nhiều sự giúp đỡ về tinh thần, người ấy sẽ có cơ hội bình phục mau hơn.
Nhưng nghiệt nỗi, không phải bệnh nhân nào cũng biết hay có thể nói rõ ra điều này. Và không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận sự giúp đỡ từ gia đình, bè bạn. Họ cũng có thể thay đổi ý kiến vào bất cứ lúc nào mà không cần có một lý do chính đáng nào cả.
Đã nói là thay đổi tâm sinh lý mà lị!!!
Vì vậy, đối với những người thân trong gia đình, việc cần thiết là nhận thức được điều này và lên một kế hoạch hành động cụ thể (care plan) cùng với những chuyên viên, y tá có kinh nghiệm săn sóc bệnh nhân. Đừng bao giờ hoang tưởng là bạn có thể tự mình lo được cho người thân. Những ai đang nằm trong nhà thương lỡ có đọc được bài blog này cũng xin đừng nghĩ là bạn hoàn toàn có thể tự lo cho mình. Hoặc những lúc bi quan lại nghĩ gia đình không ai thèm care cho bạn.
Trong hầu hết các trường hợp, thực tế thường nằm ở giữa hai thái cực đó.
Và đấy cũng là điều thứ ba mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay. Đó là khi cùng nhau đưa ra một “care plan” cho bệnh nhân, các chuyên viên và gia đình cần biết rõ điểm yếu (weakness) và điểm mạnh (strength) của người mà mình muốn giúp. Và quan trọng hơn hết là chúng ta cần mạnh dạn và thành thật để cùng bệnh nhân thảo luận một thời khóa biểu thích hợp cho tất cả mọi người.

Ai cũng có một cuộc sống riêng, kể cả bệnh nhân. Vì vậy, tất cả mọi người cần ngồi xuống với nhau một lần và đưa ra hai giải pháp cụ thể nhưng thực tế, một ngắn hạn một dài hạn, để từ đó bệnh nhân có thể thấy được họ sẽ nhận được sự giúp đỡ lúc nào khi cần thiết. Và khi nào họ có thể tự lo cho bản thân để sớm được hoàn toàn hồi phục từ tinh thần cho đến thể chất.
Right. Nhưng nói thì dễ. Talk is cheap. Để xem chính tôi đây có thực hiện được hay không. Sau đó hẳn bàn tiếp.
Thế đã nhé.

 *Tình Yêu (2)


CỠ CHỮ 

Đúng một năm rồi tôi mới viết lại về đề tài này. Cũng là một năm mới, tết Songkran ở Thái Lan sau một đêm không ngủ. Âu cũng là duyên số. Thật ra tôi ít khi bị mất ngủ. Viết về tình yêu lại càng ít hơn. Vì tôi nghĩ đấy thật ra là chuyện riêng tư, chín người mười ý, không ai có thể định nghĩa cho ai được. Như tôi đã từng chia sẻ, vào năm ngoái, cũng trong giây phút giữa đêm và ngày này.
Nhưng tôi lại nghĩ, trang blog này là của tôi. Và từ lúc bắt đầu viết blog cho đến bây giờ tôi chỉ viết những gì tôi thật sự suy nghĩ và cảm nhận. Chứ không phải viết cho một ai đó hay một lý tưởng cao cả nào. Chỉ có điều tôi ít khi nói đến chuyện cá nhân, riêng tư. Vì thứ nhất, nó chẳng giúp được ai cả. Và thứ hai, quan trọng hơn, khi nói về tình yêu là chúng ta chỉ nói đến sự cảm nhận. Mà đã nói đến cảm nhận rồi thì nó sẽ luôn thay đổi. Khác với các tư tưởng chính trị hay đạo đức có thể trải qua nhiều thế hệ hay nhiều quốc gia, phong tục khác nhau nhưng nó vẫn thế. Sự tự do, dân chủ mà con người ai cũng muốn là một thí dụ điển hình.
Nhưng đối với tình yêu thì khác. Năm trước nó có thể thế này. Nhưng năm nay nó đã thế kia. Chắc chắn trong một năm qua đã có một số bạn đọc đánh mất tình yêu. Nhưng ngược lại cũng đã có người tìm cho mình một người tình mà bấy lâu nay mình vẫn tìm kiếm.
Nếu đã mất, tôi xin chia buồn cùng bạn (mà cũng có thể là chia vui đấy chứ). Còn như vừa tìm được thì tôi mong bạn sẽ hài lòng với những gì bạn đang có và tận hưởng hạnh phúc mà mình đang ôm trong tay. Hôm nọ tôi có đọc được một câu nói tiếng Anh rất hay về tình yêu. Tôi không nhớ rõ từng chữ một. Nhưng đại loại ý của nó như thế này. Đó là: bạn đừng cố gắng đi tìm một tình yêu hoàn hảo. Mà hãy cố gắng vun xới tình yêu mà bạn đang có để trong tương lai nó có thể hoàn hảo hơn.
Tôi rất yêu câu này. Vì nó rất chính xác. Tôi không tin là có một tình yêu nào hoàn hảo cả. Những tình yêu lâu dài, vững bền và ngày càng hạnh phúc mà tôi được biết đều xuất phát từ hai trái tim chân thành sẵn sàng nhường nhịn nhau. Một người có máu nóng, thì người kia phải là người điềm đạm, không cãi lại lớn tiếng, ăn thua đủ với nhau. Còn thí dụ như một người ích kỷ trong tình yêu, không muốn san sẻ người bạn đời của mình đối với bất kỳ ai kể cả gia đình, bè bạn nhưng mình thì lại muốn làm gì làm, thì người bạn đời kia cần phải tỉnh táo và đủ trưởng thành để sẵn sàng bỏ qua sự khác biệt nhất thời ấy. Để trong tương lai tình yêu đó được vun đắp, lớn mạnh sau những lần va chạm với thực tế trong tình yêu.
Xây dựng tình yêu thật ra tôi thấy cũng giống như set up một business. Nếu phút đầu bạn chịu bỏ công, bỏ sức và bỏ cả cái tôi lớn quá của mình để sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác thì sau này bạn mới có cơ hội thành công. Bằng không sự thất bại sẽ đến với bạn không sớm thì muộn. Cho dù cả hai có thành ý đến đâu. Hay tình yêu say đắm mà cả hai đã dành cho nhau nồng nàn lúc ban đầu đến độ nào.

Đối với riêng tôi, nếu muốn có một cuộc sống lứa đôi bền vững, lâu dài, chỉ có tình yêu thôi chưa đủ. Mà nó còn cần ở sự sáng suốt (wisdom), vừa phải (reasonableness), và tôn trọng (respect) trong cách đối xử với nhau. Và quan trọng nhất là cả hai người cần phải biết nhận thức khi nào cái tôi phải được bỏ qua một bên. Không hẳn cùng một lúc cả hai phải biết điều đó. Mà ít nhất một người phải chịu “lép vế” trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.

Một điều nữa tôi muốn nhắc đến khi nói về tình yêu đó là thực tế luôn khác xa với những lời nói bóng bẩy, lúc cảm xúc của chúng ta sôi trào. Của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Chúng ta cần phải có thời gian mới xác nhận được đâu là tình yêu chân thật và phải có sống, chung đụng với nhau mới biết điều gì chúng ta có thể chấp nhận được và khi nào những giới hạn đã vượt quá khỏi tầm tay mình, không còn gì hàn gắn được.

Nhưng làm thế nào để biết những giới hạn (boundaries) ấy? Thú thật, sau một năm tích lũy, tôi nghĩ điều cần nhất là sự chia sẻ, giải bày (communication) chân thành giữa hai người ngay cả khi nói lên một cảm xúc chân thật nào đó (true feeling) có thể làm ta mất đi tất cả. Vì chỉ có sự thật mới có thể giải thoát chúng ta. Only the truth can set you free. Như câu nói về tình yêu mà tôi rất tâm đắc trong năm vừa qua:

A true relationship is when you can tell each other anything and everything. No secrets, no lies.

Một tình yêu đích thực là khi cả hai đều có thể kể cho nhau nghe về tất tần tật mọi vấn đề. Không giấu kín, không dối gian.

Nhưng hai điều khác cũng quan trọng không kém đó là sự tin tưởng ở nhau (trust) và thay đổi liên tục trong mối liên hệ giữa hai người. Năm trước cả hai đã quyết định chỉ làm những điều này. Năm nay cả hai cùng quyết định cần thay đổi vài điều khác để dung hòa với cuộc sống mới. Điều đó chắc chắn sẽ giúp cả hai thành công.
Như nó đã giúp tôi.

Thế còn bạn thì sao? Có thể chia sẻ với tôi được không? Please. At hoitrinh@hotmail.com

***
Rạng sáng của một năm mới ở Bangkok
Cũng viết riêng để gửi tặng người bạn thân nhất của tôi.


ST Ngày 18-4-2013


Không có nhận xét nào: